Trong không gian một quán cà phê, quầy pha chế không chỉ là nơi giúp các barista thỏa sức sáng tạo mà còn là nơi thể hiện phong cách và sự chuyên nghiệp của quán. Do đó, việc làm thế nào để thiết kế một quầy bar đẹp mắt, tiện lợi mà vẫn tạo được không gian làm việc thoải mái cho nhân viên, gây ấn tượng với khách hàng thực sự không phải một điều dễ dàng. Trong bài viết này, hãy cùng iPOS.vn tham khảo những ý tưởng thiết kế quầy pha chế cà phê đơn giản nhưng vẫn đẹp mắt và tạo được dấu ấn riêng cho quán nhé!
Nội dung [hiển thị]
1. Thiết kế quầy pha chế cà phê quan trọng như thế nào?
Đối với không gian một quán cà phê thì quầy pha chế là một phần không thể thiếu, nó đóng vai trò như “linh hồn” của toàn bộ cửa hàng. Quầy pha chế không chỉ là nơi mang đến những ly nước thơm ngon, đẹp mắt cho khách hàng mà còn là nơi thể hiện hình ảnh và đẳng cấp của quán. Do đó, một quầy pha chế được thiết kế đẹp, vệ sinh và hiện đại sẽ giúp quán của bạn ghi điểm tốt hơn trong mắt khách hàng.

Bên cạnh đó, với nhiều quán cà phê hiện đại, quầy pha chế còn là nơi khách hàng order và nhận đồ uống. Đây sẽ là điểm mà khách hàng chú ý đầu tiên khi bước vào quán. Vì vậy, việc thiết kế cần tuân thủ theo “brand guideline” và thể hiện được “cái chất” mà quán muốn truyền tải tới khách hàng. Từ đó, giúp gây ấn tượng với các thực khách khi ghé quán và tại sự khác biệt với các đối thủ khác trên thị trường.
2. Kích thước tiêu chuẩn khi thiết kế quầy pha chế cà phê
Tùy thuộc vào phong cách thiết kế và diện tích quán sẽ có những lưu ý về kích thước khác nhau khi thi công quầy pha chế cà phê. Tuy nhiên, để có không gian làm việc thoải mái cho nhân viên và tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng thì quầy pha chế cần tuân thủ những tiêu chuẩn thiết kế sau:
2.1. Kích thước mặt ngoài
Mặt ngoài của quầy pha chế được xem là mặt hướng về phía khách hàng. Kích thước tiêu chuẩn cho mặt ngoài thường ở khoảng 1m – 1,2m. Với độ cao này, khách hàng có thể dễ dàng giao tiếp với nhân viên pha chế hoặc thu ngân đứng phía trong quầy. Đồng thời, nhân viên quán cũng dễ dàng lấy và trả đồ cho khách mà không cần phải nhướn người lên.
2.2. Kích thước mặt trong
Nếu không phải người trong ngành, có lẽ ít người biết rằng mặt trong của quầy pha chế phải thấp hơn mặt ngoài. Đây là một trong những nguyên tắc bắt buộc khi thiết kế quầy pha chế cà phê. Cụ thể, kích thước mặt trong của quầy sẽ vào khoảng 80 cm – 90 cm.
Kích thước tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo nhân viên trong quầy không cần phải cúi người hoặc nhướn lên quá nhiều trong quá trình phục vụ khách hàng. Ngoài ra, việc chiều cao mặt trong thấp hơn mặt ngoài quầy cũng để tránh khách hàng nhìn thấy các dụng cụ pha chế và ly cốc ngổn ngang trên bàn, tránh cảm giác bừa bãi, lộn xộn.
2.3. Kích thước sàn
Khu vực mặt sàn bên trong là phạm vi làm việc của nhân viên pha chế. Do đó, quán cần tạo được không gian quầy rộng rãi và thoải mái đủ để bố trí các dụng cụ, máy móc pha chế đồng thời không gây cản trở quá trình làm việc, di chuyển của nhân viên bên trong quầy.
Việc lựa chọn kích thước sàn quầy bar cần vào diện tích cũng như như quy mô nhân sự của quán, tuy nhiên không nên để khu vực này chiếm quá nhiều diện tích của quán. Độ rộng lý tích của mặt sàn quầy pha chế rơi vào khoảng 120cm – 150cm. Kích thước này đảm bảo nhân viên pha chế có thể di chuyển dễ dàng khi làm việc, dọn dẹp cũng như đảm bảo độ thoáng mát cho không gian pha chế.
3. Cách bố trí vật dụng trong quầy pha chế hợp lý nhất
Việc bố trí các vật dụng trong quầy pha chế như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới bố cục và không gian quầy. Do đó, các chủ quán cần hết sức cẩn thận trong việc sắp xếp các vật dụng và vị trí của chúng trong quầy pha chế cà phê sao cho thuận tiện và đẹp mắt nhất. Dưới đây là một số phương pháp bố trí vật dụng trong quầy pha chế hợp lý được nhiều chủ quán áp dụng mà bạn có thể tham khảo:
3.1. Chú ý lối di chuyển
Lối di chuyển được xem là khoảng trống mà khách hàng và nhân viên trong quán phải đi qua. Dòng di chuyển của khách hàng được tính từ lối vào đến quầy pha chế, quầy thu ngân, sau đó là khu vực bàn ghế khách ngồi và kết thúc là lối ra về.
Khu vực di chuyển của nhân viên được tính từ quầy order, quầy thu ngân sau đó là quầy pha chế và cuối cùng là quầy ra nước uống cho khách. Khi bố trí, sắp xếp các dụng cụ trong quầy, chủ quán cần cân nhắc tới các lối di chuyển của nhân viên và khách để tránh cản trở hay gây ách tắc trên các lối di chuyển này.
3.2. Sắp xếp máy móc, dụng cụ khoa học
Quầy pha chế là nơi tập trung rất nhiều máy móc, thiết bị khác nhau. Để sắp xếp chúng một cách khoa học, giúp nhân viên không bị rối khi sử dụng thì chủ quán nên phân loại chúng theo từng nhóm khác nhau. Điều này cũng giúp nhân viên dễ dàng sử dụng, tìm kiếm và đảm bảo quá trình pha chế nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, còn có một mẹo nhỏ là bạn nên lắp đặt thiết bị theo đúng quy trình pha chế để hạn chế việc di chuyển, đi lại trong quầy pha chế.
3.3. Vệ sinh sạch sẽ quầy pha chế
Như đã nói phía trên, quầy pha chế cà phê là bộ mặt của quán, là điểm mà khách hàng chú ý đầu tiên khi đến với quán của bạn. Do đó, việc đảm bảo vệ sinh khu vực pha chế đồ uống cho khách cần được đặt lên hàng đầu. Hãy tưởng tượng, nếu một khách hàng thấy những hình ảnh quầy pha chế trực tiếp đồ của họ không sạch sẽ, chắc chắn đó sẽ là lần cuối họ bước chân vào quán của bạn.
Để đảm bảo hình ảnh quầy pha chế sạch sẽ nhất trong mắt khách hàng, hãy chú ý vệ sinh thường xuyên các dụng cụ, thiết bị pha chế trong quầy. Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải đánh bóng chúng sáng trắng nhưng ít nhất hãy đảm bảo các thiết bị, dụng cụ của bạn luôn sạch sẽ, gọn gàng và tươm tất. Đồng thời, tránh tối đa sự xuất hiện của các loại côn trùng như ruồi, muỗi, bọ,.. trong quầy.
3.4. Trang trí không gian nghệ thuật
Một trong những sai lầm phổ biến của các chủ quán Việt khi thiết kế quầy pha chế là bỏ bê, không trang trí cho không gian này. Thay vì việc gắn các vật dụng pha chế lên tường hay đặt kệ để đồ thì trang trí khu vực này bởi những tác phẩm nghệ thuật độc đáo sẽ thu hút khách hàng hơn nhiều. Bằng các bức tranh có hồn, phù hợp với concept quán sẽ giúp nâng tầm quầy pha chế hơn và không gian quán đẹp hơn.
4. Các mẫu thiết kế quầy pha chế đẹp, tiện lợi, dẫn đầu xu hướng 2023
Dưới đây là một số mẫu thiết kế quầy pha chế đẹp, tiện lợi được áp dụng nhiều trong xu hướng năm 2023 mà các chủ nhà hàng, quán cafe có thể tham khảo:
4.1. Mẫu thiết kế quầy pha chế cà phê đẹp hiện đại, sang trọng
Phong cách thiết kế quầy bar hiện đại là một trong những xu hướng hàng đầu hiện nay. Không sử dụng quá nhiều màu sắc sặc sỡ, phong cách này là sự kết hợp hài hòa giữa những gam màu tối giản cùng nội thất tinh tế và tiện nghi. Tất cả giúp tạo nên một không gian thoáng đãng và thoải mái nhưng cũng không kém phần tươi mới và trẻ trung, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
4.2. Mẫu thiết kế quầy pha chế phong cách cổ điển
Phong cách thiết kế cổ điển phù hợp với những quán cà phê mang concept vintage hay retro. Mẫu quầy pha chế cổ điển thường được trang trí bởi các chất liệu, màu sắc mang hơi hướng hoài cổ tạo cảm giác độc đáo và hoài niệm, phù hợp với không gian quán. Nhờ đó, tạo bầu không khí ấm áp, dễ chịu cho thực khách khi tới quán.
4.3. Mẫu thiết kế quầy pha chế mini tiện lợi
Quầy pha chế mini thường được sử dụng cho các quán cà phê có không gian nhỏ, xinh xắn, ưu tiên bán mang về hoặc kinh doanh chủ yếu qua các app đặt hàng. Trong thiết kế quầy pha chế dạng mini, việc tối ưu không gian luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, chủ quán cần phải tính toán thật tỉ mỉ trong việc phân bổ, sắp xếp bố cục và các thiết bị pha chế trong quầy sao cho tiết kiệm diện tích nhất có thể.
5. Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ mới nhất của iPOS.vn về các ý tưởng thiết kế quầy pha chế cà phê đơn giản nhưng vẫn không kém phần ấn tượng dành cho các chủ nhà hàng, quán cafe. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng hay ho và thú vị trong việc decor quầy pha chế của riêng mình nhé!